Bí tiểu là triệu chứng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng thường không được quan tâm và điều trị sớm. Vậy, nguyên nhân bí tiểu là gì? Cách cải thiện và phòng ngừa bí tiểu như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả những vấn đề này!
Triệu chứng bí tiểu là do nguyên nhân nào?
Điểm danh 2 nguyên nhân chính gây bí tiểu
Nguyên nhân bí tiểu liên quan đến sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ nước tiểu hoặc cơ bàng quang yếu không thể duy trì một lực đủ mạnh để tống hết nước tiểu ra ngoài, cụ thể:
Nguyên nhân bí tiểu phổ biến là do tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể
Để có thể đi tiểu bình thường, tất cả các bộ phận của đường tiết niệu cần phải hoạt động theo đúng trình tự. Nước tiểu thường chảy từ thận, qua niệu quản đến bàng quang và ra niệu đạo. Nếu tắc nghẽn hoặc chít hẹp tại bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu đều sẽ gây khó khăn khi đi tiểu, thậm chí là bí tiểu.
Các nguyên nhân gây thu hẹp niệu đạo và tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu bao gồm:
- Ở nam giới, tắc nghẽn thường do các bệnh lý về tuyến tiền liệt như: Phì đại tuyến tiền liệt, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu gây sưng tấy làm cản trở dòng chảy của nước tiểu.
- Sỏi ở bàng quang, thận và đường tiết niệu có thể gây tắc nghẽn lỗ mở của niệu đạo.
- Phân cứng trong trực tràng do táo bón có thể đẩy ngược lên bàng quang và niệu đạo gây chèn ép đường dẫn nước tiểu, dẫn đến bí tiểu.
- Khối u, ung thư bàng quang và niệu đạo cũng có thể gây bí tiểu.
Người bị phì đại tuyến tiền liệt thường xuất hiện triệu chứng bí tiểu
Nguyên nhân bí tiểu do bàng quang hoạt động kém
Bàng quang kém hoạt động là khi cơ bàng quang không đủ sức hoặc co bóp không đủ lâu để làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
Các vấn đề về thần kinh: Nguyên nhân bí tiểu có thể do vấn đề về hệ thần kinh ngăn cản tín hiệu từ não đến bàng quang và niệu đạo như bệnh Parkinson, Alzheimer, tiểu đường, tổn thương tủy sống, chấn thương sọ não, nhiễm độc kim loại nặng,...
Các loại thuốc: Nguyên nhân bí tiểu có thể do một số loại thuốc cản trở tín hiệu thần kinh đến bàng quang, niệu đạo hoặc tuyến tiền liệt. Các thuốc này bao gồm thuốc chủ vận alpha-adrenergic, kháng cholinergic, chống co thắt, trị trầm cảm, kháng histamin, antiparkinson, chống loạn thần, chẹn canxi, chống viêm không steroid (aspirin và ibuprofen), opioid, chất ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenalin.
Sau khi phẫu thuật: Bí tiểu có thể xuất hiện ngay sau khi phẫu thuật. Điều này là do các thuốc gây mê được sử dụng trong phẫu thuật làm ức chế hệ thần kinh và cơ bàng quang gây bí tiểu.
Cơ bàng quang yếu: Nguyên nhân bí tiểu do cơ bàng quang yếu có thể do tuổi cao, chấn thương, mang thai và sinh con.
>>> Xem thêm: Một số bài thuốc chữa bí tiểu do phì đại tuyến tiền liệt, xem ngay!
Bí tiểu có nguy hiểm không?
Triệu chứng bí tiểu không chỉ khiến người bệnh đứng ngồi không yên hàng giờ mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý, cuộc sống và công việc của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ của một số biến chứng dưới đây:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Ở người khỏe mạnh, nước tiểu thường vô trùng và dòng chảy nước tiểu sẽ ngăn vi khuẩn lây nhiễm qua đường tiết niệu. Khi bị bí tiểu, dòng nước tiểu bất thường tạo cơ hội cho vi khuẩn ở lỗ niệu đạo lây sang đường tiết niệu.
- Tổn thương bàng quang: Nếu bàng quang bị căng quá mức hoặc trong thời gian dài, các cơ có thể bị tổn thương và mất khả năng co bóp đúng cách.
- Bệnh thận mạn tính: Đối với một số người, tình trạng bí tiểu khiến nước tiểu chảy ngược vào thận. Đây gọi là trào ngược và có thể làm tổn thương hoặc gây sẹo cho thận.
Bí tiểu mạn tính không được điều trị có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Các phương pháp điều trị bí tiểu
Điều trị bí tiểu phụ thuộc vào tình trạng cấp tính hay mạn tính, cũng như nguyên nhân bí tiểu. Đối với dạng cấp tính, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một ống thông đưa vào niệu đạo để dẫn lưu bàng quang. Đối với dạng mạn tính thì tùy thuộc vào nguyên nhân bí tiểu mà lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp:
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Đối với nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt sẽ được chỉ định sử dụng một số thuốc sau: Thuốc chẹn alpha (tamsulosin, terazosin và alfuzosin) và chất ức chế 5-alpha reductase (finasteride và dutasteride).
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các thủ thuật để mở tuyến tiền liệt như cắt bỏ tuyến tiền liệt qua đường nội soi, mở tuyến tiền liệt bằng tia laser,... Tất cả các phương pháp này đều có hiệu quả trong việc thông tắc đường nước tiểu.
Điều trị chít hẹp niệu đạo
Đối với nguyên nhân bí tiểu do chứng chít hẹp niệu đạo, người bệnh được chỉ định thực hiện mở mô sẹo ở niệu đạo bằng ống thông. Đôi khi, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật nong niệu đạo, thủ thuật mở rộng lòng niệu đạo, để cải thiện tình trạng này.
Điều trị bí tiểu do các vấn đề về thần kinh
Nếu nguyên nhân bí tiểu là do vấn đề liên quan đến thần kinh, người bệnh có thể được hướng dẫn tự đặt ống thông tại nhà.
Cải thiện và phòng ngừa bí tiểu nhờ sản phẩm thảo dược
Hiện nay, nhiều người có xu hướng sử dụng các sản phẩm thảo dược hỗ trợ cải thiện triệu chứng bí tiểu, đặc biệt ở người gặp các vấn đề về tuyến tiền liệt như u xơ, phì đại, ung thư tuyến tiền liệt,...
Một trong những thảo dược có tác dụng tuyệt vời làm thuyên giảm triệu chứng bí tiểu do bệnh về tuyến tiền liệt đó là trinh nữ hoàng cung. Trinh nữ hoàng cung có chứa những hoạt chất sinh học như crinafolidine, crinafoline, paratorimin có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư và hỗ trợ trị liệu chứng phì đại tuyến tiền liệt.
Trinh nữ hoàng cung có tác dụng cải thiện triệu chứng bí tiểu do bệnh về tuyến tiền liệt hiệu quả
Một nghiên cứu được tiến hành để thử nghiệm tác dụng của trinh nữ hoàng cung trên 627 người bệnh mắc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Kết quả cho thấy giảm 33 - 93% các triệu chứng tiết niệu và 90% người bệnh đã giảm kích thước tuyến tiền liệt. Hơn thế nữa, một số người tham gia thử nghiệm đã cải thiện được kích thước tuyến tiền liệt và sức khỏe tiết niệu sau ba tháng điều trị.
Chắc hẳn, qua bài viết trên bạn đã hiểu được nguyên nhân bí tiểu và mức độ nguy hiểm của triệu chứng này. Vì vậy, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh những phác đồ điều trị bằng thuốc tây y, bạn cũng có thể kết hợp sử dụng các sản phẩm thảo dược để triệu chứng bí tiểu được cải thiện nhanh nhất. Nếu bạn còn băn khoăn về tình trạng bí tiểu hay bệnh lý về tuyến tiền liệt, hãy để lại bình luận bên dưới để nhận được giải đáp sớm nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://www.niddk.nih.gov/health-information/urologic-diseases/urinary-retention/symptoms-causes